TÂN MINH.,JSC

Frank Lloyd Wright – Kiến trúc sư vĩ đại nhất mọi thời đại của nước Mỹ

Frank Lloyd Wright (08/06/1867 – 09/04/1959) là nhà kiến trúc sư người Mỹ, nhà thiết kế nội thất, nhà văn và nhà giáo dục học, người đã thiết kế hơn 1000 cấu trúc và 532 công trình kiến trúc. Wright được đánh giá là người hùng đa tài của làng kiến trúc Mỹ với một triết lý mà ông gọi là “kiến trúc hữu cơ”. Và trong bài viết này, chúng ta hãy cùng tìm hiểu về cuộc đời đầy thăng trầm của nhà kiến trúc đại tài này, phong cách kiến trúc nổi bật của ông và những ảnh hưởng của ông đối với kiến trúc đương đại.  

  1. Thời niên thiếu – Đam mê kiến trúc ươm mầm từ trò chơi con trẻ

Wright sinh ra trong một gia đình có dòng máu nghệ thuật tại một thị trấn nông nghiệp ở Richland Center, tiểu bang Wisconsin. Cha ông là một nhà diễn thuyết đáng kính ở địa phương, một giáo viên dạy nhạc và là một mục sư hay đi đó đây. Mẹ ông, Anna Llloyd Jones là một giáo viên tỉnh lẻ, được sinh ra trong một dòng dõi lớn, danh giá và giàu có. Với mong muốn con mình sẽ trở thành một nhà kiến trúc sư xây dựng những tòa nhà tuyệt đẹp, bà đã trang hoàng phòng ngủ của ông Wright bằng những bản vẽ của những nhà thờ Anh xé ra từ những tờ tạp chí để nuôi dưỡng hoài bão của con trẻ.

Năm 1876, Anna viếng thăm triển lãm Centennial ở Philadelphia và đã mua tặng Wright các trò chơi trí tuệ khối gỗ xếp hình của Friedrich Wilhelm August Frobel. Ngay lập tức, cậu bé Wright đã trở nên thích thú với món quà này. Trò chơi này bao gồm nhiều khối hình học khác nhau có thể được kết hợp thành nhiều tổ hợp đa dạng để hình thành các tổ hợp không gian ba chiều. Sau này, Wright đã viết trong hồi ký của mình về ảnh hưởng của trò chơi đó tới các quan điểm của ông như sau: “Trong vài năm, tôi ngồi trên bàn nhỏ của trẻ mẫu giáo, và chơi với khối vuông, khối cầu và hình tam giác, những khối hình bằng gỗ cây thích nhẵn đó….tất cả vẫn còn nằm trên những ngón tay tôi đến ngày hôm nay….”Rất nhiều công trình của Wright nổi tiếng do dáng vẻ hình học  

  1. Frank Lloyd Wright – không có giới hạn dành cho trí tưởng tượng

Wright coi kiến trúc là “thể hữu cơ có sinh mệnh” – kiến trúc và môi trường hóa thành một và đã thể hiện rất sớm nguyên tắc thiết kế sinh thái trong kiến trúc, đó là nguyên tắc thiết kế kiến trúc hưu cơ. Đề cao tính tự nhiên, tính nguyên thủy, tính trữ tình, tính địa phương và cho rằng thiết kế là một quá trình biến hóa, kiến trúc trước sau ảnh hưởng đến môi trường xung quanh và người sử dụng.  

Kiến trúc của Wright là thơ, là nhạc, là âm thanh muôn màu của cuộc sống. Ông từng nói “chất thơ của hình thức cũng cần thiết như lá của táo, hoa của cây, da thịt của thân thể”. Công trình của ông luôn là những ví dụ điển hình cho chủ nghĩa lãng mạn trong kiến trúc. Trong quá trình thiết kế, Wright thực hiện nguyên tắc “thiết kế từ trong ra ngoài”, nguyên tắc “bố cục khai phóng” mà ông đề xướng. Và khác với nhiều đồng nghiệp cùng thời, Wright còn có năng khiếu đặc biệt về trang trí, tạo tác đồ nội thất và thủ công mỹ nghệ. Hầu hết các công trình mà ông thiết kế, ông đều thực hiện toàn bộ phần thiết kế nội thất và trang trí. Chính vì vậy, các công trình của Wright đều rất đồng bộ, thống nhất và có vẻ đẹp hoàn thiện đến từng chi tiết, vật dụng nhỏ nhất.

  1. Frank Lloyd Wright – Nhà tư tưởng có ảnh hưởng to lớn đối với nền kiến trúc

Trong suốt sự nghiệp của mình, Wright đã để lại vô số những công trình mang tính kiệt tác cho nhân loại bởi trí tưởng tượng phi thường, và hơn thế nữa còn là bởi sự đam mê mãnh liệt và sự khổ luyện không ngừng.

Cùng với di sản kiến trúc đồ sộ, ông cũng để lại rất nhiều lời khuyên giá trị dành cho con trai và các nhà kiến trúc sư trẻ. Dưới đây là một số lời khuyên của ông:

  • Hãy quên đi mọi thứ kiến trúc trên trái đất này, nếu anh chưa hiểu được rằng nó chỉ có thể tốt đẹp ở tại xứ sở của nó và ở vào đúng cái thời của nó.
  • Hãy đừng để cho bất kỳ ai trong các bạn bước vào nghề kiến trúc chỉ vì muốn kiếm sống, nếu bạn chưa biết yêu kiến trúc như một lẽ sống, nếu bạn chưa sẵn sàng xả thân vì nó: hãy chuẩn bị để trung thành với nó như một người mẹ, một người bạn, như với chính bản thân mình.
  • Hãy coi chừng mọi thứ trong các nhà trường dạy kiến trúc, trừ việc học các phần về kỹ thuật
  • Hãy đến với các cơ sở sản xuất, nơi bạn có thể tận mắt nhìn thấy sự hoạt động của máy móc và cơ giới đang làm ra những công trình hiện đại hoặc hãy làm việc trong thực tế xây dựng cho đến khi nào các bạn có thể chuyển tiếp một cách tự nhiên từ thi công sang thiết kế.  
  • Ngay lập tức, hãy bắt đàu tạo cho mình thói quen suy ngẫm câu “tại sao” trước tất cả những điều làm bạn thích hay không thích
  • Đừng xem những chuyện đẹp xấu là chuyện đương nhiên tự nó có sẵn, mà hãy mổ xẻ mỗi ngôi nhà theo từng phần, cặn kẽ tới tận chân tơ kẽ tóc. Hãy học cách phân biệt giữa cái đẹp với cái hiếu kỳ.
  • Hãy rèn luyện thói quen phân tích. Với thời gian, năng lực này sẽ tạo điều kiện phát triển thành một thứ năng lực tổng hợp vốn là một tập quán của trí tuệ.
  • Thầy tôi thường nói “Hãy tư duy bằng những phạm trù đơn giản”. Nên nhớ rằng mọi sự trọn vẹn đều quy về những bộ phận và những chi tiết đơn giản nhất, dựa trên nền của những nguyên lý cơ bản ban đầu. Hãy đi từ cái tổng thể tới cái cá biệt và đừng bao giờ làm ngược lại. Nếu không thì chính bạn sẽ bị nhần lẫn.
  • Hãy vứt bỏ cái tư tưởng MỸ về sự quay vòng nhanh như một thứ nọc độc. Bước vào nghề kiến trúc một cách gượng gạo thì chẳng khác nào đem đánh đổi cái quyền trời phú làm kiến trúc sư lấy bát canh đậu ván. Hãy biết xả thân, nếu bạn còn có kỳ vọng trở thành kiến trúc sư.
  • Chớ vội kết thúc việc học hành. Chí ít cũng phải mất 10 năm chuẩn bị đối với những ai có mong muốn đạt trên mức kỹ năng phán xét trung bình và vượt lên trong hoạt động kiến trúc thực tế.
  • Sau đó hãy đi càng xa càng tốt khỏi nơi mình ở để xây dựng những ngôi nhà đầu tiên. Người thầy thuốc có thể mang chôn xuống đất những sai lầm của mình, nhưng kiến trúc sư chỉ có thể khuyên thân chủ cho trồng các dàn dây leo phủ lên mặt nhà của mình mà thôi.
  • Hãy coi việc xây một cái chuồng gà cũng quan trọng như việc xây một tòa thành. Trong lĩnh vực nghệ thuật, độ lớn của một bản thiết kế không có mấy ý nghĩa, nếu bỏ qua khía cạnh tiền nong. Sức diễn cảm mới là điều thực sự cần tính đến. Nó có thể lớn trong một cái nhỏ, hoặc có thể nhỏ trong một cái lớn.     (Trích F.L.Wright – The Future of Architecture)

Và dưới đây là một vài hình ảnh về những kiệt tác nghệ thuật trong di sản kiến trúc đồ sồ mà Frank Lloyd Wright đã để lại cho nhân loại.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Biệt thự Falling Water - Cảm hứng từ thiên nhiên

Bảo tàng Guggenheim Newyork - Tổ hợp của hình khối và đường cong kiến trúc

Kiệt tác bên trong Bảo tàng Guggenheim Newyork

Giáo đường Beth Sholom

Bên trong giáo đường Beth Sholom

Và một số hình ảnh khác:

Thong ke